Đánh giá Yoga Slim 7: đừng để vẻ ngoài mỏng manh đánh lừa!
Lenovo Yoga Slim 7 (còn gọi là IdeaPad Slim 7) là một trong những chiếc laptop đầu tiên chạy AMD Renoir tức dòng APU Ryzen 4000 series. Chiếc máy này làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về một chiếc laptop AMD, nó rất đẹp, mỏng nhẹ, hoàn thiện cao cấp và trong thân xác này là một con vi xử lý có đến 8 nhân 16 luồng.
Thiết kế của Yoga Slim 7: lá cờ đầu của laptop AMD Renoir
Mình bắt gặp chiếc máy này tại sự kiện AMD diễn ra hồi tháng 3 ở Austin, Texas. AMD đã dùng nó để quảng bá cho dòng APU Ryzen 4000 series với những cải tiến đáng chú ý về hiệu năng lẫn điện năng. Chiếc máy này có mức giá tầm 900 USD với vi xử lý Ryzen 7 có đến 8 nhân 16 luồng nhưng đáng tiếc là không bán rộng rãi, chỉ bán tại một số thị trường được AMD chọn lựa.
Đây là một chiếc máy mỏng nhẹ 14", vỏ bằng kim loại, sở hữu thiết kế tương tự như dòng IdeaPad S940 chạy Ice Lake. Lenovo đã hoàn thiện phần vỏ rất tốt với bề mặt anodize mịn, các cạnh được bo mềm mại không gây cấn khi cầm. Chiếc máy này mỏng chỉ 14,9 mm và trọng lượng 1,43 kg. Tính ra nó vẫn hơi nặng đối với một chiếc Ultrabook 14" ngày nay nhưng điều này cho thấy mật độ linh kiện bên trong chiếc máy dày, hệ thống tản nhiệt đủ lớn và pin lớn.
Bản lề của Yoga Slim 7 thiết kế chìm và nó cho góc mở gần 180 độ, người ngồi đối diện có thể dễ dàng quan sát những gì có trên màn hình và điều mình thích là sự cân đối về trọng lượng giữa màn hình và nắp máy khiến mình có thể mở máy bằng một tay rất dễ dàng. Phần trên của màn hình có nam châm, nó sẽ tự hít vào bệ máy khi đóng lại một góc đủ hẹp.
Màn hình của chiếc máy được phủ gương (glossy), không cảm ứng. Kiểu thiết kế màn hình này hiện tại đang xuất hiện nhiều hơn trên những dòng laptop cao cấp bởi công nghệ màn hình nay đã tốt hơn xưa rất nhiều, độ sáng màn hình cao hơn từ đó có thể bù trừ cho nhược điểm về độ phản chiếu của lớp gương. Màn hình gương cũng cho trải nghiệm về hình ảnh, màu sắc tốt hơn so với màn hình có lớp phủ chống chói (matte). Ngoài ra thiết kế viền màn hình cũng rất cân đối với viền 2 bên mỏng chỉ 4 mm và viền trên 7 mm, đủ chứa cụm webcam có hỗ trợ tính năng nhận diện khuôn mặt.
Chiếc máy này dùng tấm nền IPS của Innolux, độ phân giải FHD (1920 x 1080 px) với mật độ điểm ảnh ở 157 ppi. Đây là một tấm nền khá chất lượng với độ sáng cao gần 400 nit, độ tương phản tĩnh lý thuyết có thể đạt 2000:1 và bao phủ đến trên 90% dải sRGB. Vậy nên chiếc màn hình này đáp ứng tốt hầu hết nhu cầu sử dụng từ văn phòng đến giải trí, làm việc với phim và ảnh không chuyên.
Thiết kế bàn phím và bàn rê của Yoga Slim 7 tương tự như những dòng IdeaPad cao cấp khác với layout rút gọn, các phím hình chữ U kích thước lớn. Tuy nhiên cảm giác gõ của bàn phím không thích tay bởi nó hành trình khá ngắn, cảm giác phản hồi không rõ ràng nên việc gõ nhanh và chính xác trở nên khó khăn hơn. Mình thường xuyên bị gõ sót chữ trên chiếc máy bày vì phím quá mềm.
Với bàn rê thì Yoga Slim 7 có bàn rê khá lớn với kích thước 10,5 x 6,4 cm. Bề mặt bàn rê được phủ kính ít bám vân tay, cho cảm giác trượt ngón tay mượt mà và nó cũng hỗ trợ driver Microsoft Precision Touchpad để mang lại trải nghiệm vuốt chạm đa điểm tốt hơn. Bàn rê dạng ClickPad nên các phím chuột đều được tích hợp bên dưới, âm thanh khi nhấn không lớn, rất lịch sự.
Các cổng kết nối trên Yoga Slim 7 bao gồm 2 cổng USB-C trong đó có một cổng USB 3.2 Gen2 (10 Gbps), 1 cổng USB 3.2 Gen1 (5 Gbps), HDMI và jack âm thanh 3,5 mm. Chiếc máy này không có Thunderbolt 3 như những chiếc IdeaPad chạy Intel. Tuy nhiên 2 cổng USB-C này vẫn hỗ trợ sạc PowerDelivery và 1 trong 2 cổng hỗ trợ trình xuất Display.
Tại cạnh phải là 2 cổng USB-A (5 Gbps) thông thường, khe đọc thẻ microSD và nút nguồn. Chiếc nút nguồn này có tích hợp cảm biến vân tay một chạm dù kích thước không quá lớn.
Như vậy có thể thấy về thiết kế và trang bị thì chiếc Yoga Slim 7 chạy AMD này cao cấp tương đương như các biến thể chạy Intel như Yoga S940. Tuy nhiên điều mình kỳ vọng và cũng là thứ khiến chiếc máy này đáng mua đó vi xử lý Ryzen 7 4800U 8 nhân 16 luồng. Thật sự không có AMD với dòng Ryzen thì những chiếc laptop mỏng sẽ khó có thể có được vi xử lý nhiều nhân đến vậy. Dòng Renoir của AMD dùng kiến trúc Zen2 với nhiều cải tiến so với kiến trúc Zen/Zen+ về các khía cạnh như IPC, xung nhịp, số nhân từ đó cho hiệu năng cao hơn rất nhiều so với những con Ryzen 3000 series trên laptop. Thêm vào đó, lợi thế của dòng Ryzen 4000 series đó là nó dùng tiến trình 7nm tiên tiến, tiết kiệm điện năng và vận hành cũng mát mẻ hơn.
Hiệu năng của Ryzen 7 4800U và RX Vega 8 trên Yoga Slim 7:
Chiếc Yoga Slim 7 có cấu hình rất tốt, giá bán của nó vào khoảng 900 USD nhưng tiếc là chỉ bán tại một số quốc gia nhất định. Chiếc máy này mình cũng mượn từ AMD Việt Nam, chưa rõ Lenovo có ý định bán hay không.
- CPU: AMD Ryzen 7 4800U (Zen2) 8 nhân 16 luồng, 1,8 - 4,2 GHz, 8 MB cache, TDP 15 W;
- GPU: AMD radeon RX Vega 8 (Vega) 8 CU, 512 nhân stream; 1750 MHz;
- RAM: 16 GB LPDDR4-4266 MHz (hàn chết);
- SSD: 512 GB SK Hynix PC401 PCIe NVMe SSD;
- Kết nối: Bluetooth 5.0 + Wi-Fi 6;
- Pin: 60 Wh.
Ryzen 7 4800U có cải tiến gì? Bản thân dòng Ryzen Mobile 4000 series đã được cải tiến rất nhiều từ kiến trúc Zen 2 7nm và nhân đồ họa tích hợp cũng mạnh hơn. APU vẫn có 2 cụm CCD (Core Chiplet Die), mỗi cụm chứa 2 CCX (CPU Complex) và mỗi CCX có 4 nhân, thiết kế này cho phép AMD tăng số nhân xử lý lên thành 8 nhân 16 luồng trên cả phiên bản H hiệu năng cao lẫn U tiết kiệm điện. Đây cũng là lần đầu tiên một con vi xử lý tiết kiệm điện với TDP 15 W có đến 8 nhân, Intel chưa thể đạt được số nhân này trên dòng Core i thế hệ 10.
Trong mỗi tổ hợp CCX, các nhân chia sẻ chung bộ đệm L3 4 MB (2 CCX > 8 MB cache L3) và mỗi nhân vẫn có bộ đệm L2 512 KB. Nếu so với các phiên bản CPU desktop kiến trúc Zen 2 thì bộ đệm L3 trên phiên bản laptop bị cắt giảm đáng kể và AMD làm điều này để dành không gian cho GPU tích hợp cũng như là để tiết kiệm điện năng.
Tiến trình 7nm 13 lớp của TSMC, AMD đã đạt được mật độ bán dẫn trên die cao hơn 2 lần với 9,8 tỉ transistor trong khi thu nhỏ được diện tích die 25% (diện tích còn 156 mm2) so với thế hệ trước. Tiến trình 7nm cộng với những cải tiến về kiến trúc Zen 2 và những tính năng mới đã mang lại hiệu năng cao hơn và cắt giảm điện năng tiêu thụ rất đáng kể trên Ryzen Mobile 4000 series.
Sử dụng với các tác vụ bình thường thì Ryzen 7 4800U dư sức mạnh để xử lý với hơn chục tab Edge, song song với YouTube đang bật, soạn bài trên OneNote và Photoshop. Trải nghiệm đa nhiệm trên chiếc Yoga Slim 7 rất nhanh, điều này không còn phải bàn cãi.
Mình test nhanh Cinebench R20 ở 3 chế độ hiệu năng gồm Better Battery, Better Peformance và Best Performance. Ryzen 7 4800U đạt đến gần 3700 điểm đa nhân và 485 điểm đơn nhân. Nếu so với các mẫu máy mỏng nhẹ chạy Core i7-10810U và 10710U 6 nhân 12 luồng thì điểm số của Ryzen 7 4800U vượt xa về đa nhân, thậm chí là đơn nhân.
Điều đáng nói là dù điểm số giữa các chế độ hiệu năng mà mình test có chênh lệch nhưng khi chạy Cinebench R20 thì Ryzen 7 4800U đều thể hiện 1 hành vi tương tự nhau đó là giữ xung 4,2 GHz toàn nhân trong vòng 2 giây sau đó cắt dần xuống 3,9 GHz, chạy lâu nhất ở 3,34 GHz và cắt xuống 3,2 GHz ở cuối bài test vì nhiệt độ của CPU đã lên đến 99,5 độ C.
Hiệu năng PCMark 10 với từng nhóm test mình so sánh giữa Ryzen 7 4800U và Core i7-10810U, Core i7-10710U đều 6 nhân 12 luồng trên 2 chiếc máy cao cấp khác là Dell Latitude 9510 2-in-1 và MSI Prestige 15. Có thể thấy Ryzen 7 4800U cho hiệu năng rất khá, nhưng không quá vượt trội so với Core i7-10810U hay 10710U ở các bài test hiệu suất làm việc.
Phần cơ bản (Essential) của PCMark 10 bao gồm các bài test như thời gian khởi động ứng dụng (Chrome, Firefox, GIMP và LibreOffice Writer); tiếp đến là hội thoại video và lướt web bằng Chromium và Firefox với nhiều dạng trang web khác nhau như mua sắm, bản đồ, trang web có nhiều nội dung tương tác. CPU của Intel với lợi thế xung đơn nhân luôn cho hiệu năng tốt hơn so với Ryzen 7 4800U. Trong khi đó ở nội dung Productivity thì bài test xử lý bảng tính nhiều dữ liệu sẽ là lợi thế của CPU đa nhân. Cuối cùng là nhóm các bài test sáng tạo nội dung (Digital Content Creation) như chỉnh sửa hình ảnh bằng GIMP, kết xuất và ảo hóa bằng POV-Ray và chỉnh sửa video bằng công cụ riêng của PCMark, kết quả cho thấy Ryzen 7 4800U với 8 nhân cùng GPU tích hợp Radeon RX Vega 8 đã có thể cho hiệu năng ngang bằng với Core i7-10710U với GPU rời là GTX 1650 Max-Q!
Hệ thống tản nhiệt của Yoga Slim 7 như hình trên, nó chỉ có 1 ống đồng lớn nhưng có 2 quạt với 2 heatsink khá lớn. 2 quạt này khi hoạt động ở tốc độ tối đa gây ra tiếng ồn khá lớn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được tốc độ quạt cũng như tiếng ồn qua phần mềm Lenovo Vantage.
Trong phần System Settings của Vantage có mục Power Smart và nó cho phép chỉnh 3 chế độ hiệu năng gồm Battery saving, Intelligent cooling và Extreme performance. Ở chế độ Extreme performance thì quạt sẽ quay tối đa để tản nhiệt cho CPU 8 nhân. Dù là một con CPU dòng U tiết kiệm điện như khi chạy Cinebench R20, Ryzen 7 4800U vẫn có thể ăn gần 35 W tương đương như CPU dòng H như Ryzen 7 4800H dành cho những chiếc laptop gaming. Vậy nên hệ thống tản nhiệt hạn chế của Yoga Slim 7 không đủ để giúp con CPU chạy ở nhiệt độ dưới 90 độ C.
GPU trong khi đó có thẻ đạt được xung tối đa 1750 MHz và nhiệt độ của GPU tích hợp khi stress test cũng ở 66 độ C với Furmark. Hiệu năng của RX Vega 8 tích hợp trên Ryzen 7 4800U dưới đây:
Nó cho hiệu năng rất tốt nếu so với giải pháp GPU tích hợp UHD 620 của Intel và dĩ nhiên vẫn thua xa so với 1 con GPU rời như GTX 1650 Max-Q trên chiếc MSI Prestige 15. Với mức điểm này, mình không kỳ vọng RX Vega 8 có thể cho hiệu năng chơi game tốt ở độ phân giải FHD với những tựa game AAA nhưng với game eSport thì dư sức.
CS:GO
CS:GO là một tựa game không cần nhiều sức mạnh GPU, ở thiết lập đồ họa thấp và độ phân giải FHD, mình có thể chơi trung bình trên 70 fps. RX Vega 8 cũng đủ để anh em có thể trải nghiệm các tựa game eSport như Dota 2, LoL ở phân giải FHD với tỉ lệ khung hình 60 fps.
Shadow of the Tomb Raider:
Và không ngoài dự đoán với một tựa game như Shadow of the Tomb Raider, ở thiết lập đồ họa Low, phân giải FHD thì fps trung bình chỉ 24 fps, không chơi được. Nếu muốn chơi tựa game này trên 60 fps thì anh em bắt buộc phải giảm phân giải xuống 1280 x 720 px (HD).
Thời lượng pin của Yoga Slim 7:
Với bài test PCMark 8 Home, độ sáng màn hình 50%, chế độ hiệu năng Better Battery thì chiếc Yoga Slim 7 cho thời lượng 4 giờ 36 phút. Thực tế mình sử dụng làm việc với văn bản và web, độ sáng màn hình 50% và chế độ hiệu năng Better Battery thì thời lượng sử dụng pin cũng tương đương. Pin có dung lượng 60 Wh và nếu xét về một con vi xử lý 8 nhân như Ryzen 7 4800U thì thời lượng pin này ổn.
Sau khi trải nghiệm chiếc máy này, mình có một cảm giác rằng AMD cùng các hãng làm laptop hoàn toàn có thể tạo ra những chiếc máy cao cấp với hiệu năng tốt hơn nhiều so với Intel. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà những chiếc máy như Yoga Slim 7 không nhiều, nếu có cũng chỉ là những biến thể chạy AMD từ phiên bản chính chạy Intel. Những chiếc máy chạy AMD Ryzen vẫn chưa được "đứng riêng một góc trời". Dùng chiếc Yoga Slim 7, điều mình thấy là Ryzen 7 4800U 8 nhân 16 luồng mạnh thì rất mạnh nhưng có lẽ thừa với một chiếc laptop mỏng, mình nghĩ chỉ cần 4 nhân 8 luồng là đủ đáp ứng hiệu năng và thời lượng pin. CPU 8 nhân lắp trên một nền tảng mỏng, muốn tận dụng sức mạnh đa nhân để render cũng khó. Nếu lắp con CPU này vào một thân xác to lớn hơn, tản nhiệt tốt hơn và thậm chí có thêm GPU rời cũng của đội đỏ thì nó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề hơn. Dù vậy, mình vẫn thích chiếc máy này.