Với mức trên, giá vàng trong nước đang xô đổ mọi kỷ lục và đứng ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Hàng loạt yếu tố đẩy giá vàng
Lý giải về nguyên nhân khiến giá vàng liên tục tăng sốc, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho rằng: Giá kim loại quý trên thị trường thế giới biến động mạnh do dịch COVID-19 tại Mỹ vẫn diễn biến phức tạp; chưa kể châu Mỹ Latinh, Brazil đang nổi lên như một điểm nóng về đại dịch này. Trong khi đó đến thời điểm hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra vaccine để điều trị căn bệnh này.
Bên cạnh đó, biến động địa chính trị như Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Triều Tiên cũng ảnh hưởng đến giá vàng. Thêm vào đó, nhiều nước liên tiếp tung ra các gói tài chính trợ cấp cho doanh nghiệp lẫn người dân nhằm kích cầu, hồi phục nền kinh tế nhưng thực tế cho thấy nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi. Trong bối cảnh như vậy, cùng với chứng khoán, nhiều nhà đầu tư tìm đến vàng như là kênh đầu tư hấp dẫn.
Nhìn lại lịch sử giá vàng trong nước, ông Trần Thanh Hải nhận định: Trong vòng gần 10 năm trở lại đây, hiện nay lần đầu tiên giá vàng miếng bỏ xa mốc trên 50 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý là hôm qua (8-7), không phải là ngày đầu tiên giá vàng bật lên trên 50 triệu đồng/lượng mà đã lên vùng đỉnh từ cuối tuần trước. Như vậy, so với mức đỉnh 49,4 triệu đồng/lượng đạt được chỉ có vài tiếng đồng hồ trong năm 2011, hiện giá vàng trong nước đã ghim ở vùng đỉnh nhiều ngày.
“Từ đây có thể thấy việc giá vàng thiết lập kỷ lục về giá là có cơ sở. Hơn nữa, giá vàng hiện nay đã tiệm cận với giá vàng thế giới, khác xa so với vùng đỉnh của năm 2011 khi mà giá vàng trong nước bật tăng dữ dội và cao hơn giá vàng thế giới tới hơn 3 triệu đồng/lượng. Chính vì thế, giá vàng đang lập mặt bằng giá mới (50 triệu đồng/lượng) và chưa có dấu hiệu quay đầu lao dốc” - ông Hải nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Nguyên nhân khiến giá vàng tăng chủ yếu là do bất ổn của tình hình kinh tế thế giới. Chẳng hạn riêng ở Mỹ tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao 11,3%, cộng thêm với tác động của dịch bệnh ngày càng phức tạp.
“Nền kinh tế thế giới đang rơi vào khủng hoảng và trong bối cảnh đó, vàng đương nhiên trở thành nơi trú ẩn an toàn” - TS Hiếu nhìn nhận.
Giá vàng liên tiếp thiết lập đỉnh cao mới nhưng sức mua lại yếu ớt, chủ yếu bán ra chốt lời. Ảnh: THÙY LINH
Coi chừng cú đảo chiều bất ngờ
Khuyến cáo đối với nhà đầu tư trong thời điểm giá vàng đang dậy sóng như hiện nay, Chủ tịch VGB Trần Thanh Hải phân tích: Vàng hiện nay là phương tiện đầu tư và đầu cơ. Trong vòng 1-2 tháng tới, vàng có thể vẫn là một kênh kinh doanh, đầu tư hấp dẫn và có nhiều sóng. Tuy nhiên, nó không thích hợp là kênh để đổ tiền mua trong lúc này bởi giá đang thiết lập vùng đỉnh mới.
“Với những ai mua vàng để dành thì tôi khuyên là nên dừng ý định đó lại. Còn nếu mua để đầu tư thì cần phải có trình độ, kinh nghiệm, kiến thức phân tích… bởi đây cũng là một kênh đầu tư” - ông Hải khuyến nghị.
Giá tăng nhưng sức mua èo uột Ghi nhận thị trường cho thấy dù giá vàng tăng kỷ lục, vượt mốc 50 triệu đồng/lượng nhưng không thấy cảnh người dân đổ xô xếp hàng đi mua vàng tích trữ mà lại tìm cách bán ra. Điều này khiến thị trường vàng khá ảm đạm, đìu hiu. Nhiều chuyên gia cho rằng sở dĩ có hiện tượng lạ như trên vì nhiều người tranh thủ bán khi giá vàng cao. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đã cấm huy động và cho vay vàng từ lâu nên các ngân hàng, giới đầu cơ khó tạo ra các đợt sóng vàng như trước đây. |
Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, ông Hải nhận định trong tháng 7 và 8 tới đây, giá vàng vẫn đứng ở mức cao nhưng biên độ tăng ở mức độ vừa phải. “Trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, ông Donald Trump có thể sẽ phải tìm mọi cách để nền kinh tế Mỹ phục hồi nhằm tăng khả năng tái cử và điều này giống như dây cương hãm đà tăng của vàng. Do vậy, đầu tư vào vàng thời điểm này hết sức cẩn trọng, vì mọi thứ đảo chiều rất nhanh” - ông Hải dự báo.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, dự báo trong thời gian sắp tới, nếu tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng và không cải thiện trên thế giới thì giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng, hướng tới mốc 1.800 USD/ounce. Còn giá vàng trong nước sẽ tịnh tiến đến vùng giá 55 triệu đồng mỗi lượng.
Ông cũng cho rằng trong số các kênh đầu tư hiện nay thì chứng khoán đang lình xình, bất động sản hiện có tính thanh khoản thấp, ngoại tệ đang ổn định cho nên chỉ có vàng và tiền gửi tiết kiệm là hai kênh đầu tư sinh lời khá hấp dẫn. Song người dân không nên đổ xô vào vàng, mà chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền nhàn rỗi vào vàng.
“Ngay cả với nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ cũng cần xác định được thời điểm chốt lời dù giá vàng có lên bao nhiêu đi chăng nữa. Bởi có khi chỉ cố chờ thêm vài giờ đồng hồ thôi, giá vàng có thể đã bước sang thời điểm rơi tự do rồi” - ông Hiếu phân tích.
Mua vàng miếng đang có lợi hơn Chủ tịch HĐQT Công ty VGB Trần Thanh Hải cho hay hiện chênh lệch giá mua vào - bán ra vàng miếng được đẩy lên mức 400.000-500.000 đồng/lượng, khác với trước đó chênh lệch chỉ khoảng 300.000 đồng/lượng. Mặc dù giao dịch trên thị trường chưa tăng cao nhưng các đơn vị kinh doanh vàng vẫn nới rộng biên độ giá mua - bán nhằm tránh nguy cơ bị hụt nguồn vốn do giới đầu tư mua vét và đẩy hàng qua biên giới theo con đường thẩm lậu. “Khác với thời điểm cách đây chừng ba tháng, khi đó giá vàng nhẫn tròn trơn, vàng nữ trang 24K rẻ hơn vàng miếng thì nhà đầu tư nên mua vàng nữ trang, vàng nhẫn. Còn ở thời điểm hiện tại, khi giá vàng nhẫn đã tiệm cận với vàng miếng thì rõ ràng mua vàng miếng sẽ có lợi hơn” - ông Hải phân tích. |
KHÁNH MAI
Plo.vn