Nhà sản xuất chip Mỹ Nvidia hôm qua vừa cam kết sẽ thiết kế một siêu máy tính trị giá 52 triệu USD tại Cambridge, Anh - nhiều tuần sau khi công bố kế hoạch mua lại công ty Arm của Anh với giá 40 tỷ USD.
Siêu máy tính này - được đặt tên là "Cambridge-1" và dự kiến được dùng vào việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực chăm sóc y tế - đã được công bố bởi nhà sáng lập kiêm CEO Nvidia là Jensen Huang tại hội thảo GTC 2020 của công ty.
"Giải quyết những thách thức khó khăn nhất của thế giới trong lĩnh vực chăm sóc y tế đòi hỏi phải có những nguồn tài nguyên điện toán cực kỳ mạnh mẽ để tận dụng được những khả năng của AI" - Huang nói. "Siêu máy tính Cambridge-1 sẽ đóng vai trò trung tâm quy tụ những cải tiến công nghệ của nước Anh, và thúc đẩy những nghiên cứu đột phá được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại đây trong lĩnh vực chăm sóc y tế và chế tạo thuốc".
Sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2020, siêu máy tính Cambridge-1 sẽ là cỗ máy mạnh thứ 29 thế giới và là chiếc máy tính mạnh nhất nước Anh - Nvidia khẳng định.
Các nhà nghiên cứu tại GSK, AstraZeneca, Guy’s và St Thomas’s NHS Foundation Trust, King’s College London và Oxford Nanopore sẽ có thể sử dụng siêu máy tính mới để tìm cách giải quyết những thách thức về y học, bao gồm những vấn đề nóng hổi liên quan virus corona.
"Nhiều nhà khoa học cần đến những chiếc máy tính hiện đại bậc nhất, và chúng tôi sẽ thiết kế nên một cái như vậy" - Phó chủ tịch mảng chăm sóc y tế của Nvidia, Kimberly Powel, phát biểu, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà khoa học sẽ có thể thực hiện "các nghiên cứu quy mô rộng" mà nếu không có siêu máy tính này, họ "sẽ không thể làm được".
Nvidia nói rằng Cambridge-1 sẽ có "hiệu năng AI" đạt mức 400 petaflops, và nó sẽ nằm trong top 3 siêu máy tính tiết kiệm điện năng nhất trên thế giới. Nếu bạn chưa biết thì petaflop là một đơn vị dùng để đo tốc độ xử lý của máy tính.
Matt Hancock, bộ trưởng y tế Anh, cho biết "đẩy nhanh nghiên cứu thuốc chưa bao giờ quan trọng như lúc này", và khoản đầu tư của Nvidia có thể "tạo nên một khác biệt thật sự"
"Siêu máy tính mới của Nvidia sẽ hỗ trợ các chuyên gia giỏi nhất của Anh nhằm thực hiện các nghiên cứu mà sau này sẽ cứu sống nhiều sinh mạng" - Hancock nói.
Siêu máy tính Cambridge-1, có thể được hoàn thiện trong một vài tuần nữa, sẽ hoạt động nhờ vào 80 hệ thống Nvidia liên kết với nhau.
Khi được hỏi liệu Nvidia có mong muốn kiếm được lợi nhuận từ Cambridge-1 hay không, thì Powell nói với kênh CNBC rằng Cambridge-1 "không phải là một nỗ lực thương mại hoá".
AI có ưu việt như kỳ vọng?
Cho đến thời điểm này, AI vẫn chỉ đóng một vai trò tương đối nhỏ trong quá trình đối phó với đại dịch. Dù đã đạt được một số thành công nhất định trong những lĩnh vực hạn chế, các công ty như DeepMind, OpenAI, Facebook AI Reserach, và Microsoft - tất cả đều sở hữu các siêu máy tính của riêng mình - vẫn tương đối im lặng trong bối cảnh virus corona lây lan ra khắp thế giới.
"Đại dịch lần này cho thấy hầu hết những kỳ vọng về AI vớ vẩn như thế nào" - Neil Lawrence, cựu giám đốc học máy tại Amazon Cambridge, phát biểu hồi tháng 4.
"Nó tuyệt đấy, và sẽ hữu dụng một ngày nào đó, nhưng trong đại dịch này, không hề ngạc nhiên khi chúng ta quay lại với những kỹ thuật thử và thí nghiệm truyền thống".
Cambridge-1 không phải là siêu máy tính duy nhất Nvidia dự định thiết kế tại Cambridge.
Khi thương vụ thâu tóm Arm được công bố hôm 13/9, Huang nói rằng Nvidia sẽ thiết kế một siêu máy tính nền Arm mới tại một trung tâm nghiên cứu AI thậm chí còn chưa đi vào xây dựng trong thành phố.
Giới học giả trong lĩnh vực công nghệ tại Cambridge tỏ ra nghi hoặc về cam kết của Nvidia đối với trung tâm này hồi tuần trước, khi mà Nvidia và đại học Cambridge dường như rất ít khi trao đổi với nhau về dự án này.
Powell nói rằng Cambridge-1 "hoàn toàn độc lập" với Arm: "Đây là nỗ lực của chính Nvidia nhằm thiết kế một siêu máy tính AI phục vụ việc nghiên cứu trong lĩnh vực chăm sóc y tế của chúng ta"
Thương vụ thâu tóm Arm của Nvidia hiển nhiên không hề thiếu những chỉ trích và vẫn có thể bị ngăn lại bởi cả chính phủ Anh lẫn Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) vốn đảm trách việc duy trì tính cạnh tranh trên thị trường Anh. Tuần trước, hai nhà đầu tư công nghệ nói với CNBC rằng họ nghĩ thương vụ sẽ bị ngăn cản bởi một ai đó.
Đảng Lao động đối lập của Anh từng tuyên bố thương vụ thâu tóm Arm không phục vụ lợi ích cộng đồng và chỉ trích Đảng Bảo thủ cầm quyền không bảo vệ được nhà thiết kế chip của Anh.
Hôm 21/9, nhà làm luật thuộc Đảng Lao động là Daniel Zeichner, thành viên nghị viện đại diện cho Cambridge, đã kêu gọi chính phủ phải đặt ra những điều kiện rõ ràng trong thương vụ thâu tóm Arm. Ông muốn có những đảm bảo về mặt pháp lý liên quan vấn đề việc làm, trụ sở tại Cambridge của Arm, và mô hình kinh doanh của hãng. Zeichner còn nói rằng điều quan trọng là phải bảo vệ được chủ quyền công nghệ của Anh.