Nghề shipper này là phải tranh thủ chạy xe giao hàng càng nhanh càng tốt. Chốt với khách là phải đi dù nắng hay mưa. Làm shipper một năm nay tôi cũng nếm trải nhiều lần nhớ đời như mất hàng, bom hàng, khách không có tiền trả.
Shipper NGUYỄN VĂN HẢI
Việc không thanh toán bằng tiền mặt được nhiều shipper ưa thích vì giảm thiểu tình trạng "bom hàng"...
Từ nỗi lo khi giao hàng nhận tiền mặt...
Trưa 20-5, tại TP.HCM bất ngờ có cơn mưa nặng hạt. Phía sau xe máy cà tàng chở thùng hàng lớn, anh Nguyễn Văn Hải - shipper của Giao hàng nhanh - xoay xở che áo mưa tránh ướt hàng. "Chị ơi, mưa to quá nên em giao hàng trễ 1 tiếng nữa, thông cảm giúp em nha".
Cúp máy, anh Hải nói: "Khổ thế đó, nghề này là phải tranh thủ chạy giao hàng càng nhanh càng tốt. Chốt với khách là phải đi dù nắng hay mưa. Làm shipper một năm nay tôi đã nhiều lần nhớ đời như mất hàng, bom hàng, khách không có tiền trả".
Anh chia sẻ, mỗi đơn hàng thành công cự ly dưới 10km shipper nhận về khoảng 30.000 - 50.000 đồng, khéo léo ghép lộ trình hiệu quả có thể chuyển vài chục đơn mỗi ngày, thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Anh kể vào thời điểm dịch COVID-19, ai cũng nghĩ rằng shipper "trúng mánh" khi nhu cầu giao nhận hàng tăng đột biến, nhưng đâu biết phía sau đó nhiều nỗi lo. Công việc mỗi ngày giáp mặt hàng chục khách hàng, nỗi lo căng thẳng khi có thể mang mầm bệnh dịch về nhà cho vợ con.
Điều khiến cánh shipper lo lắng không chỉ khi tiếp xúc với khách mà còn ngại về khoản đếm tiền. "Cứ mỗi lần lấy tiền thối cho khách hoặc đếm tiền trong thời điểm dịch, tôi lo ghê lắm. Đếm xong lại rửa tay, vẫn cứ thấp thỏm" - anh Hải nói.
Shipper này chia sẻ để được nhận hàng anh phải ứng trước cho chủ hàng số tiền có giá trị tương đương, rủi ro bị khách hàng "bỏ bom" là có thật.
Thông thường, các chủ hàng sẽ giao hàng tại cơ sở kinh doanh nhưng có nhiều người giao hàng tại quán nước hoặc ngay bên đường hay một địa chỉ "ảo" cho shipper.
Khi đến địa chỉ người nhận nhưng gọi "ò í e" hoặc địa chỉ không có thực, xem lại hàng thì chỉ là hàng kém chất lượng.
"Ðến lúc biết mình bị lừa thì việc lấy lại tiền đặt cọc khó như mò kim đáy bể. Phần lớn shipper khi bị lừa, bấm bụng chịu mất trắng tiền đặt cọc vì không tìm ra bất cứ thông tin gì về người thuê giao hàng" - anh Hải nói.
Cứ mỗi lần điện thoại rung "ting ting", anh Bùi Phạm Thiên Long - nhân viên giao hàng GrabFood - vui nhưng vẫn phập phồng nỗi lo "bom hàng" khi thấy khách chọn thanh toán bằng tiền mặt với đơn hàng thức ăn nhanh.
Gần 3 năm chạy đủ loại dịch vụ của Grab từ GrabBike, GrabExpress, GrabFood, anh Long cho biết ớn nhất là khách hàng cho "ăn hành". Có đơn hàng là "mừng húm", chạy trưa nắng đến giao hàng nhưng khách ở trong nhà mà không nghe máy.
"Có người bắt mình đợi cả tiếng đồng hồ dưới trưa nắng rồi không nhận hàng. Gặp trường hợp như vậy, mình phải chấp nhận đem hàng về chuyển trả lại chứ biết sao được. Ngày nào đen đủi, bị bom hàng liên tục là nản lắm, lắm lúc khóc ròng" - anh Long trải lòng.
Nhẹ người với... thanh toán thẻ
Nhiều shipper của Now, Foody, Baemin cho biết nhiều khách hàng chọn phương thức thanh toán thông qua ví điện tử để hạn chế tiếp xúc.
Trong đợt dịch này đi giao hàng cũng có nhiều kỷ niệm khó quên, nhiều vị khách rất kỹ, họ nghĩ ra nhiều cách nhận hàng thú vị như thiết kế những thùng nhận hàng rồi dùng dây hay máy điều khiển tự chế kéo vào để đảm bảo khoảng cách an toàn.
Với những đơn hàng khi khách hàng thanh toán bằng thẻ, shipper nhẹ nhàng và tin chắc 100% đơn hàng thành công, tiền vào túi chứ không sợ "bom hàng".
Khi thanh toán qua thẻ, ít nhất khách cũng được định danh rõ ràng nên an tâm, thoải mái nhận đơn và giao hàng. Tương tự, nhiều tài xế công nghệ của Be, Grab, Vato cho biết thích khách "chạm" hơn "đếm". Với những khách trả tiền qua thẻ, kết thúc hành trình là tiền về ví của tài xế, gặp khách "xộp xộp" tip ngay trên ứng dụng với mức từ 5.000 - 20.000 đồng.
"Có đơn hàng chỉ 120.000 đồng, khách đưa 500.000 đồng mà không có tiền thối. Thế là phải tốn thời gian chạy đi đổi. Giờ khách thanh toán online, tới giao hàng khỏe re, không phải lôi tiền ra vô phiền phức" - anh Long nói.
Nghiên cứu thay đổi thói quen hành vi người tiêu dùng trong dịch COVID-19 của Grab cũng cho thấy xu hướng mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong mùa dịch góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thanh toán không tiền mặt, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.
Theo bà Nguyễn Thái Hải Vân - giám đốc điều hành Grab Việt Nam, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab trong tháng 3-2020 đã tăng đến 22,5% so với tháng trước. Ước tính trong dịch COVID-19, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43%.
Tại hệ thống Saigon Co.op trong các thời điểm ngân hàng, nhà phát hành thẻ có chương trình hoàn tiền, giảm giá lớn cho đơn hàng thanh toán thẻ… thì tỉ lệ người dùng thanh toán không tiền mặt tăng mạnh, có thời điểm lên đến 10% doanh số, một con số lớn so với mức bình quân. Tuy nhiên, khi chương trình khuyến mãi ngưng thì thói quen sử dụng tiền mặt mua hàng lại về mức cũ.
Nguồn: tuoitre.vn