• Theo Tân Hoa Xã, Tam Hiệp - đập thủy điện lớn nhất Trung Quốc, ngày 19/7 đã đón đợt lũ thứ 2 trên sông Dương Tử (sông Trường Giang). Mực nước tại hồ chứa Tam Hiệp ghi nhận vào lúc 20h tối ngày 19/7 ở mức 164,18 mét, cao nhất kể từ khi đập xây dựng, vượt qua mốc kỷ lục trước đó là 163,11 m.  
Nước lũ đang được xả ra từ đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 19/7. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Tuy nhiên, hồ chứa đập Tam Hiệp đón dòng nước lũ đổ vào với lưu lượng đạt mức 46.000 m3/giây trong cùng khoảng thời gian trên, giảm so với mức cao nhất là 61.000 m3/giây được ghi nhận trong ngày 18/7. 

Theo Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, đến 14h ngày 19/7, con đập đã tích lũy được 14 tỷ m3 nước lũ trong mùa lũ chính năm nay. 

Trước đó, vào lúc 3h sáng 19/7, hai đoạn đê sông Trừ, nhánh cấp 1 của sông Dương Tử thuộc huyện Toàn Tiêu, tỉnh An Huy, đã được giới chức tỉnh ra lệnh phá hủy bằng thuốc nổ để mở đường cho nước từ con sông đổ vào hai khu chứa nước lũ bên trong. Hai đoạn đê bị phá cách nhau khoảng 2 km. Một người dân địa phương nói với tờ Sina rằng họ đã được sơ tán trước đó, và được "trấn an tinh thần". Theo AP, phá đê điều để giải phóng nước lũ là biện pháp cực đoan từng được áp dụng trong trận lụt nghiêm trọng nhất Trung Quốc gần đây vào năm 1998.

Thống kê mới nhất, chính quyền Trung Quốc hôm 19/7 cho hay, tính trong tháng 7, khoảng 23,86 triệu dân tại 24 khu vực cấp tỉnh trên khắp quốc gia này đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Hơn 2 triệu người đã phải di tản do hậu quả của lũ lụt, trên 150.000 ngôi nhà bị phá hoại và thiệt hại về kinh tế vào khoảng 9,19 tỷ USD.

Kể từ tháng 6, mưa lớn kéo dài liên tục đã gây ngập lụt ở miền Nam Trung Quốc và mực nước trên nhiều sông đã vượt qua ngưỡng báo động.

Hồ Thiên
Cand.com.vn