Rộn ràng lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Sáng nay (9/1, tức ngày 28/11 âm lịch), Lễ kỷ niệm 438 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm diễn ra tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng)

Khu di tích Đền thờ Danh nhân văn hoá Nguyễn Bình Khiêm tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2015.

Nơi đây là điểm tham quan văn hoá, du lịch tâm linh đặc sắc tại Hải Phòng với điểm nhấn là những bức tượng đá có kích thước như người thật, mô tả khung cảnh đời thường trong cuộc sống hàng ngày của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Lễ hội Đền Trạng Trình được tổ chức vào các ngày từ 27 - 29/11 Âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống của địa phương nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, kỷ niệm ngày mất của Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm

Lễ hội gồm 2 phần: phần Lễ (Lễ mộc dục, Lễ rước văn, Lễ cáo yết, Lễ dâng hương; Lễ Kỷ niệm 438 năm Ngày mất của Danh nhân) và phần Hội (với nhiều hoạt động khai mạc Giải vật truyền thống, chương trình thơ – nhạc về Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hát Văn, hát Xẩm, hát Chèo, kéo co, liên hoan văn nghệ các làng văn hóa, trò chơi dân gian, giải đua thuyền…).

Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - người được suy tôn là “nhà tiên tri”, là tấm gương lớn về hiếu học của thành phố Cảng và đất nước, là người có vai trò và ảnh hưởng chính trị to lớn trong xã hội nước ta thế kỷ XVI.

Lễ rước cờ, kiệu hoa, kiệu hương, kiệu bài vị quan Trạng và đội trống do các xã, thị trấn, các trường học và con cháu Trạng Trình thực hiện tại khu vực tượng đài Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Màn biểu diễn trống khai hội.
Nghi lễ tấu trình chúc văn ghi nhớ công lao to lớn của Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trong khuôn khổ lễ hội Đền Trạng Trình diễn ra lễ phát động Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật (ca khúc và kịch bản sân khấu) về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm do Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức.

Các tác phẩm dự thi có nội dung ca ngợi thân thế, sự nghiệp, những công lao, đóng góp, cống hiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với nền văn học, văn hóa và giáo dục của dân tộc Việt Nam gồm 2 thể loại: Ca khúc và Kịch bản sân khấu (Kịch nói, Chèo). Đối tượng tham gia là các nhạc sỹ, các văn nghệ sỹ chuyên và không chuyên ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, yêu thích sáng tác âm nhạc và kịch bản sân khấu; mọi công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam.

Tại lễ phát động, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng mong muốn thông qua cuộc thi này, phát động rộng rãi phong trào sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là loại hình nghệ thuật âm nhạc và kịch bản sân khấu, lựa chọn ra những tác phẩm mới, có giá trị nghệ thuật, biểu trưng được thân thế, sự nghiệp của Trạng Trình, phục vụ các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đến với nhân dân cả nước và thế giới.

Cuộc thi là hoạt động thiết thực để tri ân những công lao, đóng góp, cống hiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với nền văn học và giáo dục dân tộc.

Lễ hội Đền Trạng Trình thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương

Lễ hội là dịp quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Sự kiện cũng góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh, sinh viên và nhân dân, cũng như tỏ lòng tri ân của người dân với Trạng Trình.


CTV Huyền Chi/VOV-Đông Bắc

Thế Giới Quanh Ta khác

Positive SSL