ThinkPad P1: máy trạm di động mỏng nhẹ, bền bỉ, hiệu năng cao nhưng giá đến 80 triệu

 
ThinkPad P1: máy trạm di động mỏng nhẹ, bền bỉ, hiệu năng cao nhưng giá đến 80 triệu
 
ThinkPad P1 là câu trả lời của Lenovo đối với xu hướng máy trạm di động mỏng nhẹ vốn xưa nay chỉ nổi tiếng với những cái tên như Dell Precision 55xx series hay HP Zbook Studio. Trước đây dòng ThinkPad P - tiền thân là ThinkPad W đã có phiên bản mỏng như P52s nhưng chưa thật sự mạnh khi vẫn dùng CPU dòng ULV của Intel, giờ P1 mang lại cho người dùng một sức mạnh lớn hơn bên trong thiết kế chỉ tựa như ThinkPad X1 Carbon. Dưới đây là những trải nghiệm của mình về chiếc máy độc đáo này:
Thiết kế và khả năng nâng cấp:
ThinkPad P1 có lẽ không được nhắc đến nhiều như phiên bản ThinkPad X1 Extreme - chiếc máy mạnh nhất của dòng ThinkPad X vốn dành cho đối tượng quản lý doanh nghiệp nhiều hơn. Không ngạc nhiên vì điều này bởi ThinkPad P1 chính là ThinkPad X1 Extreme chỉ thay đổi về cấu hình để thực hiện vai trò của một chiếc máy trạm di động.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-16.jpg
Thiết kế của ThinkPad P1 gần như y hệt ThinkPad X1 Extreme với một thiết kế mỏng, hoàn thiện cao cấp với lớp phủ soft-touch màu đen mềm mịn đặc trưng của ThinkPad và phần bản lề được thiết kế lại theo kiểu chìm. Chính vì việc dùng lại thiết kế của ThinkPad X1 Extreme mà ThinkPad P1 giờ đây tiệm cận với dòng X hơn, không còn nặng cái nét dày và cục mịch đặc trưng của dòng W500 khi xưa hay P5x, P7x sau này.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-1.jpg
Chất liệu chế tạo của ThinkPad P1 là hợp kim nhôm, bề mặt phủ đen nhám soft-touch với độ bền cao, máy mỏng nhưng rất chắc, nắp máy rất khó lún dù mình cố nhấn đè lên. Dù vậy, bề mặt của ThinkPad P1 cũng thừa hưởng luôn cái đặc tính dễ bám bẩn và dấu vân tay. Mặc dù kiểu hoàn thiện giờ đây khó bong tróc hơn như lớp nhung hồi xưa nhưng cái tính dễ bẩn vẫn còn đó.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-22.jpg
Phần bản lề là điểm đáng chú ý trên thiết kế ThinkPad P1 cũng như X1 Extreme khi mà 2 bản lề bằng thép nổi bật của ThinkPad đã không còn nữa mà thay thế là thiết kế chìm giống như bản lề của MacBook. Thiết kế này dường như là bắt buộc để đảm bảo độ bền cũng như độ mỏng của máy nhưng điều mình thích là Lenovo vẫn đảm bảo góc mở của bản lề là 180 độ - góc mở phẳng giúp chia sẻ nội dung dễ dàng trong các cuộc họp.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-14.jpg
Đáy máy là một tấm hợp kim liền khối và việc tiếp cận phần cứng cũng không mấy khó khăn. Đây là yếu tố gần như là bắt buộc đối với những chiếc máy trạm di động, dù giờ đã mỏng hơn nhưng khả năng bảo trì và nâng cấp vẫn phải được thiết kế sao cho dễ thực hiện nhất. Mình vẫn đánh giá cao khả năng nâng cấp của ThinkPad P70 đang dùng và giờ trên P1 tương tự.

ThinkPad P1 Teardown.jpg
Do máy mượn không được tháo thành ra mình tham khảo từ WindowsCentral: nội thất khá gọn với cục pin 80 Wh tích hợp - một dung lượng pin lớn đối với một chiếc máy cỡ 15,6" mỏng. 2 khe SO-DIMM hỗ trợ gắn tối đa 64 GB DDR4, hỗ trợ RAM non-ECC hoặc ECC tuỳ thuộc CPU trên máy, 2 khe M.2 PCIe thoải mái nâng cấp ổ lưu trữ, card Wi-Fi và hệ thống tản nhiệt 2 quạt 2 ống đồng, 2 heatsink. Hiệu quả tản nhiệt ra sao thì trong phần benchmark anh em sẽ rõ. Riêng về khả năng nâng cấp, vệ sinh thì ThinkPad P1 không gây khó dễ chúng ta, phần gây khó nhất chắc là túi tiền bởi máy không có khay gắn ổ 2,5" như những chiếc máy trạm di động cỡ lớn thành ra SSD M.2 2280 là giải pháp duy nhất để nâng dung lượng. Tuy nhiên, có một thứ mình thấy thiếu vắng trên bộ lòng của ThinkPad P1 là nó không có khe dành cho card WWAN và máy cũng không có khe gắn SIM thành ra giải pháp dành cho mạng di động tích hợp sẵn không có trên ThinkPad P1. Đây là điểm mà nhiều anh em khi mua sẽ cân nhắc, có thể dùng USB 4G gắn ngoài nhưng nó không tối ưu bằng giải pháp gắn trong vốn gọn hơn.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-21.jpg
ThinkPad P1 có độ mỏng 18,7 mm và trọng lượng có thể nói rất lý tưởng với những chiếc máy trạm mỏng là 1,8 kg. Chiếc máy này cũng được Lenovo thiết kế theo tiêu chuẩn độ bền MIL-STD 810G.

Cổng kết nối:

Tinhte.vn_ThinkPadP1-9.jpg
Trang bị cổng kết nối trên ThinkPad P1 giống hệt X1 Extreme với 3 cổng USB-A trong đó có 2 cổng tốc độ cao (USB 3.1 Gen2 10 Gbps), 1 cổng USB 3.0 thường, 2 cổng USB-C đều là Thunderbolt 3 hỗ trợ chức năng như trình xuất DisplayPort 1.4, kết nối dữ liệu, HDMI 2.0, mini RJ-45 cho kết nối mạng LAN (Lenovo có tặng kèm adapter ra RJ-45 tiêu chuẩn), jack 3,5 mm, khe đọc thẻ SDXC và khe SmartCard.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-11.jpg
Nhìn chung bố trí các cổng và số lượng đều rất đầy đủ, đáp ứng nhu cầu kết nối cần có trên một chiếc máy trạm di động. Lenovo đã bỏ cổng dành cho dockstation (dòng ThinkPad Ultradock) nhưng giải pháp dock có thể đáp ứng thông qua các loại dock Thunderbolt 3 mới, băng thông vẫn lớn, cổng mở rộng cũng không hề thua kém, chưa kể là gọn nhẹ dễ đem theo hơn.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-10.jpg

Bàn phím bàn rê:

Tinhte.vn_ThinkPadP1-5.jpg
Nội thất của ThinkPad P1 rất ấn tượng. Điều này đúng trên ThinkPad P1 bởi nó kế thừa thiết kế tối giản và gọn gàng của dòng ThinkPad X1. Nếu như so với chiếc ThinkPad P70 dày cui của mình thì nội thất của dòng máy trạm cỡ lớn vẫn không đẹp bằng dù rằng vẫn là Think. Trước ThinkPad P70 thì mình từng 1 thời gian dài dùng EliteBook Workstation và Zbook của HP cũng như có thời gian xài Dell Precision 5510. Nếu so sánh về độ hoàn thiện, độ gọn gàng thì mình đánh giá ThinkPad P1 và Dell Precision 5510 tốt nhất, HP Zbook thường được thiết kế theo kiểu thừa hơn thiếu.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-20.jpg
ThinkPad P1 có bàn phím y hệt dòng ThinkPad X1, layout phím cũng giống, hành trình phím cũng giống và cũng là bàn phím chống nước nhẹ theo chuẩn MIL-STD 810G. Thay vì nhồi nhét layout full-size như trên dòng ThinkPad P5x thì layout kiểu máy 14" này mang lại trải nghiệm gõ tốt hơn bởi key-pitch dài, các ngón tay duỗi thoải mái khi gõ và kết hợp với hành trình sâu, ThinkPad P1 mang lại cảm giác gõ tuyệt vời, êm, không ồn. Thiết kế đèn nền backlit 2 mức sáng cũng phát ra ánh sáng dịu, không chói loá khi dùng về đêm.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-6.jpg
Tuy nhiên, tuyệt nhưng chưa phải là tuyệt nhất. Nếu so với bàn phím của dòng T480 hay dòng ThinkPad P70 mình đang dùng thì nó vẫn chưa đã bằng dù hành trình là 2,2 mm. ThinkPad P1 mỏng hơn thành ra việc hy sinh một chút hành trình phím là điều hiển nhiên. Nói chung về bàn phím của ThinkPad, T400 series vẫn là huyền thoại.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-7.jpg
Các thành phần còn lại như TrackPoint cùng 3 phím chuột và bàn rê đa điểm có thiết kế tựa như ThinkPad X1. 3 phím này nông nhưng độ nẩy cao, dĩ nhiên sẽ không đã như cụm 3 nút trên dòng P5x hay P7x nhưng dễ thao tác. Độ nhạy của TrackPoint vẫn không khác dòng T400 hay dòng P dày mình đang dùng, thiết kế núm dạng Soft dome tiêu chuẩn (mình thì thích dùng núm Classic dome hơn, anh em xài TrackPoint có thể mua thêm mấy núm kiểu khác để thay, mình mua 1 bộ 5 núm trên ebay).

Bàn rê cỡ 100 x 66 mm, bề mặt phủ kính nhưng có thêm một lớp nhám mềm mang lại cảm giác tiếp xúc rất đã tay. Kiểu hoàn thiện bàn rê này cũng y hệt ThinkPad X1 Gen6 và ngon hơn hẳn so với bàn rê trên dòng ThinkPad P dày. Bàn rê dùng driver Microsoft Precision Touchpad có độ trễ thấp, hỗ trợ đầy đủ các thao tác đa điểm của Windows 10 và mình không gặp khó khăn gì khi thao tác trên bàn rê này. Riêng 2 phím chuột trái phải được tích hợp bên dưới, độ nẩy tốt nhưng do không có dấu hiệu phân tách thành ra đôi khi mình nhấn chuột trái nhưng không ăn do nhấn vào vùng gần giữa 2 phím.

Màn hình & âm thanh:

Tinhte.vn_ThinkPadP1-2.jpg
Màn hình của ThinkPad P1 có thiết kế viền mỏng, không phải siêu mỏng như ThinkPad X1 Gen6 nhưng với một chiếc máy trạm di động thì độ mỏng viền 2 bên như vậy rất đáng khen. Mình nghĩ Lenovo không muốn làm mỏng thêm bởi 1 phần máy vẫn cần viền dày để đảm bảo chịu lực tốt, 1 phần là màn hình cảm ứng có kính cường lực nên nó cần không gian viền để ép lớp kính lên.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-8.jpg
Phần viền trên có cụm webcam IR hỗ trợ chức năng nhận diện khuôn mặt Windows Hello nên viền này không thể cắt mỏng hơn. Viền dưới màn hình vẫn dày, mình nghĩ trong tương lai dòng ThinkPad sẽ được cải tiến phần viền dưới này để tổng thể hiện đại hơn.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-3.jpg
Về chất lượng màn hình, ThinkPad P1 dùng tấm nền IPS chất lượng cao, độ phân giải 4K UHD (3840 x 2160 px) và hỗ trợ HDR với độ sáng tối đa 400 nit. Là màn hình cảm ứng thành ra màn hình có lớp kính glossy phản chiếu khá mạnh dưới nguồn sáng trực tiếp. Nếu anh em thích chống chói thì Lenovo có tuỳ chọn IPS phân giải FHD độ sáng 300 nit với lớp phủ matte.

OSD.JPG
Mình dùng Spyder4Elite đo màu chiếc màn hình này thì nhận thấy độ sáng của màn hình tối đa đạt 390 nit khi kích hoạt HDR, gần với 400 nit theo thông số công bố. Độ sáng tối đa thông thường từ 272 đến 292 nit và độ tương phản của chiếc màn hình này rất tốt. Độ đồng đều về độ sáng cũng rất tốt với tỉ lệ chênh lệch giữa các vùng ở độ sáng 100% tối đa là 7,7% ở góc phải phía trên và thấp nhất là 0.9% ở vùng giữa bên trái so với vùng trung tâm.

Brit & Contrast & Black & White.JPG
Ở độ sáng 100% thì độ tương phản đạt 880:1 và lên đến 31970:1 ở độ sáng 25%. Gamma của màn hình là 2.4, tỉ lệ gamma khớp với 2.2 nhất ở độ sáng từ 70 đến 100%. Điều mình thích trên màn hình này là sắc độ đen rất tốt, chỉ 0.31 (càng gần 0 càng tốt) ở độ sáng 100% nhưng white point tức nhiệt độ màu của màn hình lại khá lạnh. Khi chưa cân chỉnh, nhiệt độ màu là 9100K ở độ sáng 100% và thấp nhất là 8200K ở độ sáng 0%. Vì vậy khi mới nhìn qua chiếc màn hình này cho màu lạnh và cần phải cân chỉnh để nhiệt độ màu ấm hơn, theo tiêu chuẩn là 6500K.

AdobeRGB.JPG
NTSC.JPG sRGB.PNG
Còn về màu sắc thì tấm nền IPS này có độ bao phủ các dải màu rất rộng với 99% AdobeRGB, 99% sRGB và 94% NTSC. Thêm vào đó, Delta-E của màn hình rất thấp, khi chưa cân chỉnh thì Delta-E đã ở mức dưới 2.0. Tất cả các màu sắc chính đều có Delta-E chưa đến 1, chỉ có một vài màu sắc có Delta-E trên 1, cao nhất là 1.92. Đây cũng là chiếc màn hình hiếm hoi trên laptop có độ chính xác màu cao như vậy ngay khi xuất xưởng. Mình hoàn toàn hài lòng với màu sắc của ThinkPad P1.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-15.jpg
Còn về âm thanh, 2 loa của ThinkPad P1 được đặt tại đáy và âm thanh đầu ra có âm lượng tối đa khoảng 73 dB. Âm thanh vẫn thiên về mid rõ, treble tốt và thiếu bass, kiểu chất âm thường thấy trên những chiếc máy doanh nghiệp.

Hiệu năng:

ThinkPad P1 được Lenovo cung cấp nhiều tuỳ chọn cấu hình, phiên bản mình đánh giá được bán chính hãng tại Việt Nam với cấu hình đặt sẵn gồm:
  • CPU: Intel Core i7-8850H 6 nhân 12 luồng (Coffee Lake), 2,6 - 4,3 GHz (Turbo Boost đơn nhân), 9 MB cache, TDP 45 W;
  • GPU: Nvidia Quadro P2000 Max-Q 768 nhân CUDA (Pascal), 1215 - 1468 MHz (Boost), 4 GB GDDR5 128-bit bus;
  • RAM: 16 GB Samsung DDR4-2666 1 thanh chạy single-channel (2 x SO-DIMM hỗ trợ tối đa 64 GB chạy dual-channel);
  • SSD: 512 GB Intel SSD Pro 7600P PCIe NVMe 1.3;
  • OS: Windows 10 Pro;
  • Pin: 80 Wh.
Core i7-8850H và Quadro P2000 là điểm sáng trên cấu hình của ThinkPad P1. So với dòng Core i7-8750H phổ biến trên những chiếc laptop chơi game thì Core i7-8850H mạnh hơn với xung cơ bản từ 2,6 GHz và Turbo đến 4,3 GHz, lần lượt cao hơn 400 và 200 MHz. Thêm vào đó phiên bản Core i7-8850H trên ThinkPad P1 hỗ trợ gói tính năng bảo mật và quản lý dành cho doanh nghiệp vPro. Phần còn lại của Core i7-8850H vẫn là 6 nhân 12 luồng, kiến trúc Coffee Lake, 9 MB bộ đệm và TDP 45 W y hệt Core i7-8750H.

Quadro P2000.jpg
Về phần Quadro P2000 thì đây là vi xử lý đồ hoạ chuyên nghiệp tầm trung, nó dùng cùng chip GP107 tương tự như phiên bản GeForce GTX 1050 Ti trên laptop chơi game. Tuy nhiên, phiên bản trên ThinkPad P1 là phiên bản được thiết kế Max-Q nên có xung nhịp thấp hơn, giảm điện năng tiêu thụ so với phiên bản Quadro P2000 tiêu chuẩn không Max-Q. Do dùng cùng GP107 như GTX 1050 Ti nên Quadro P2000 có 768 nhân CUDA nhưng xung từ 1215 MHz đến 1468 MHz Boost. Có thể thấy mức xung Boost của Quadro P2000 Max-Q còn thấp hơn cả mức xung cơ bản của GTX 1050 Ti vốn đã là 1493 MHz. Nhưng cần lưu ý rằng Quadro P2000 Max-Q hay Quadro nói chung là dòng GPU dành cho các tác vụ đồ hoạ chuyên nghiệp ProViz (Professional Design Visualization) như CAD, DCC với driver tối ưu, tập lệnh cũng được Nvidia tối ưu nên anh em không thể so sánh Quadro P2000 vs GTX 1050 Ti, có thể Quadro P2000 chơi game không ngon như GTX 1050 Ti và GTX 1050 Ti cũng chưa chắc chạy tốt các ứng dụng ProViz như Quadro P2000.

CrystalDiskmark.JPG
Phần còn lại của cấu hình là ổ Intel SSD Pro 7200p - một dòng ổ cao cấp của Intel hỗ trợ giao thức NVMe 1.3 mới nhất và tốc độ của nó rất tốt với đọc tuần 2800 MB/s và ghi tuần tự trên 1300 MB/s. Tốc độ truy xuất ngẫu nhiên tập tin cỡ nhỏ đạt trên 330 MB/s đọc và 230 MB/s ghi. Chiếc ổ này hiển nhiên có lợi thế về tốc độ truy xuất ngẫu nhiên nhờ đó tốc độ phản hồi của hệ thống cũng như hiệu năng tổng thể được cải thiện đáng kể.



Khởi đầu phần benchmark quen thuộc với Cinebench R15 để kiểm tra hiệu năng xử lý đơn và đa nhân của CPU Core i7-8850H. Hiệu năng xử lý đơn nhân của nó đạt 181 điểm và đa nhân 1120 điểm. Mình thử benchmark vài lần liên tục thì kết quả xê dịch đôi chút, điểm đa nhân các lần còn lại là 1033, 1055 với thiết lập Best Performance, vừa cắm sạc vừa bench. Nếu anh em chỉnh xuống Balance hay Better Performance thì điểm số sẽ thấp hơn, thường dưới 1000 điểm đa nhân, cao nhất cũng là 988 điểm. Khác biệt chính giữa 2 chế độ power này là xung đa nhân tối đa của Core i7-8850H khi nó chạy những tác vụ render kiểu Cinebench. Best Performance sẽ giúp Core i7-8850H đạt xung từ 3,3 đến 3,5 GHz toàn nhân trong khi Better Performance sẽ giữ ở mức xung tối đa 3 GHz toàn nhân.

Với dòng máy Workstation thì mình sẽ không dùng đến 3DMark để kiểm tra hiệu năng đồ hoạ mà thay vào đó là SPECviewperf 13 với một loạt các bài test đồ hoạ chuyên nghiệp. Những phần mềm ProViz như 3ds Max, Catio, Creo, Maya, Siemens NX hay Solid Works chính là game đối với Quadro. Những bài test này đo tỉ lệ khung hình trung bình mà Quadro P2000 có thể render với từng ứng dụng với các project tương tự project thật khi anh em làm việc.



Tất cả các bài test được thực hiện ở độ phân giải gần FHD chế độ Window (chính xác là 1900 x 1060 px) theo thiết lập mặc định của SPECviewperf. SPECviewperf 13 là phiên bản mới nhất của công cụ benchmark hiệu năng xử lý tác vụ ProViz với cải tiến nằm ở DX12 và OpenGL 4.0 API. Kết quả benchmark SPECviewperf 13 được đo bằng fps và đây hiện là công cụ tiêu chuẩn nhất để đánh giá hiệu năng của máy trạm.

Các bài test SPECviewperf 13 là các ứng dụng đồ hoạ chuyên nghiệp rất quen thuộc với anh em trong ngành và có thể chia ra thành 4 nhóm như 3ds Max, Maya cho đồ hoạ mô hình trong ngành giải trí, đa phương tiện như phim hoạt hình, kỹ xảo, game …, nhóm thứ 2 bao gồm các ứng dụng CAD/CAM như Catia, Creo, NX và Solidworks, Showcase dành cho mô phỏng với hiệu ứng ray tracing và nhóm ứng dụng đặc thù cho ngành năng lượng và y tế là Energy dựng bằng OpendTect và Medical dựng bằng ImageVis3D.

Specviewperf 13 3dsmax.jpg
Mỗi bài test sẽ có một tập viewset với các mô hình được dựng bằng chính phần mềm tương ứng. Chẳng hạn như với 3ds Max thì nó sẽ bao gồm 11 mô hình được dựng bằng 3ds Max 2016 với driver Nitrous DX11 mặc định. Tương tự với các bài test CAD/CAM như Catia của Dassault Systemes - một ứng dụng đồ hoạ kỹ thuật được thiết kế để phát triển dòng máy bay chiến đấu Mirage sau đó mở rộng thành ứng dụng thương mại được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, bài test này có 14 mô hình từ xe hơi đến máy bay, render ở nhiều chế độ khác nhau với các hiệu ứng như đổ bóng viền, khử răng cưa, DoF, ánh sáng môi trường …

Specviewperf 13 Energy.jpg
Riêng với các bài test như Energy thì bộ viewset được dựng bằng OpendTect nguồn mở và nó mô phỏng hình ảnh chụp cắt lớp của địa hình, giống như hình ảnh chụp MRI hay CT trong y tế. Đây là một bài test về data lẫn đồ hoạ 3D rất nặng mà mình thấy ít có dòng card đồ hoạ nào có thể đạt kết quả fps cao trên 40 fps.

Trong bảng trên, mình so sánh kết quả SPECviewperf 13 của một số dòng máy trạm di động khác. Chiếc ThinkPad P1 là thanh màu cam, đối thủ xứng tầm của nó có thể kể đến là Zbook Studio G5 và Dell Precision 5530, cả 2 đều rất mỏng và tích hợp card Quadro tương đương. Có thể thấy Quadro P2000 trên ThinkPad P1 mạnh hơn đáng kể so với các giải pháp giá rẻ hơn dành cho laptop mỏng như Quadro P500 hay P600, so với Quadro P1000 thì nhỉnh hơn khoảng 10 - 15% với một số bài test. Tuy nhiên, nếu so với Quadro P3200 ở phân khúc cao cấp hơn thì có thể thấy mọi chỉ số đều thua xa. Một điều thú vị nữa là mình cũng benchmark luôn chiếc ThinkPad P70 đang dùng với CPU Xeon E-1505M và Quadro M4000M thì kết quả phiên bản Quadro dùng kiến trúc Maxwell này vẫn đạt hiệu năng rất tốt, trên P2000 một bậc.

Như đã nói Quadro P2000 dù dùng cùng GPU tương tự như GTX 1050 Ti nhưng với xung nhịp thấp hơn cũng như driver không tối ưu cho game như dòng GeForce thành ra hiệu năng chơi game sẽ thấp hơn so với GTX 1050 Ti. Cũng phải nói Quadro P2000 đủ mạnh để giúp anh em xử lý các tác vụ ProViz ở phân giải FHD nhưng với 4K thì vẫn không thể.

Nhiệt độ:

Capture.JPG
ThinkPad P1 có thiết kế mỏng với hệ thống tản nhiệt 2 quạt và 2 ống đồng khá lớn đi cắt giữa CPU và GPU. Điều mình bất ngờ là nó mang lại hiệu quả tản nhiệt đủ tốt để có thể duy trì hiệu năng cho CPU và GPU khi mình thực hiện các bài test. Khi chạy SPECviewperf 13, GPU có tỉ lệ sử dụng luôn trên 90% nhưng nhiệt độ GPU vẫn rất ổn định ở mức dưới 75 độ C, điều này thể hiện vai trò của thiết kế Max-Q khi vẫn giữ cho Quadro P2000 đạt hiệu năng tốt với mức TDP thấp hơn. Trong khi đó khi mình stress test hệ thống bằng AIDA64 và quan sát hoạt động của CPU thì nhận ra Lenovo không cắt điện áp, vẫn cho CPU Core i7-8850H chạy ở điện áp tối đa theo thiết kế với TDP ở 45 W và khi CPU chạm ngưỡng 92 độ C thì bắt đầu cắt xung xuống để đưa CPU về mức nhiệt độ an toàn hơn là 83 - 85 độ C, lúc này TDP đã là 41 W mát mẻ hơn. Sau khi để chạy liên tục trong 30 phút thì nhiệt độ CPU được hạ xuống mức ổn định hơn là dưới 80 độ C, xung CPU toàn nhân ở 3,2 GHz. Cũng cần lưu ý AIDA64 stress nặng về AVX thành ra mức xung toàn nhân này hoàn toàn chấp nhận được. Trong khi đó với các ứng dụng render thì như kết quả Cinebench, chạy nhiền lần thì xung đa nhân vẫn ở mức cao hơn là 3,5 - 3,6 GHz.
Cũng nói về nhiệt độ vỏ máy, điểm nóng nhất nằm ở khu vực giữa bàn phím phía trên bởi ngay bên dưới vùng này là CPU và GPU, khi stress test đo bằng súng FLIR thì nhiệt độ khoảng 43 độ C và mặt đáy máy ở vùng này khoảng 48 - 49 độ C. Vì vậy khi tải nặng thì anh em không nên để máy lên đùi. Trong khi đó với các tác vụ bình thường thì nhiệt độ vỏ máy các vùng không quá 30 độ C. Điều kiện mình test là trong phòng lạnh với nhiệt độ 22 độ C.

Tinhte.vn_ThinkPadP1-13.jpg
2 khe tản nhiệt đặt ẩn sau bản lề màn hình giống thiết kế của hầu hết các dòng laptop mỏng hiện tại. Tuy nhiên, khoảng trống giữa khe này và cạnh dưới màn hình khá rộng, 1 phần gió cũng được thổi luồng qua khe tại cạnh dưới màn hình thành ra khoảng thoáng gió vẫn rất lớn. Khi max load, hệ thống quạt đạt tốc độ tối đa đến 4200 rpm nhưng với thiết kế cánh quạt và lồng quạt được xem là bí quyết của ThinkPad thì độ ồn vẫn không quá lớn, dưới 43 dB với điều kiện test là văn phòng tinhte khi mọi người đã về hết 😃, tiếng rít gió thấp và không gây khó chịu. Trong thời gian tới thì mình sẽ bổ sung bài test độ ồn hệ thống quạt trong bài đánh giá laptop  theo yêu cầu của nhiều anh em.

Pin:

Tinhte.vn_ThinkPadP1-4.jpg
Chiếc ThinkPad P1 được trang bị cục pin 80 Wh và với bài test PCMark 8 Home cho chạy liên tục các nhóm tác vụ văn phòng thì thời lượng sử dụng pin được 4 giờ 38 phút từ 100% xuống 10% với thiết lập độ sáng màn hình 75%. Thời lượng sử dụng này có thể nói là khá cần phải nói ngoài cấu hình mạnh thì màn hình 4K trên ThinkPad P1 cũng là một thứ ngốn nhiều điện. Nếu anh em chọn option với màn hình FHD thì thời lượng pin chắc chắn sẽ lâu hơn. Thời lượng sử dụng trung bình với các tác vụ mình dùng hàng ngày như OneNote, Chrome và Photoshop vào khoảng 5 tiếng với độ sáng màn hình tương tự, thiết lập pin Better Performance (Balanced).

Kết luận:

Tinhte.vn_ThinkPadP1-12.jpg
ThinkPad P1 là một dòng máy rất mới của Lenovo và cũng như ThinkPad X1 Extreme, nó cần thêm thời gian để khẳng định vị thế trong phân khúc máy trạm di động mỏng nhẹ trước những đối thủ như Zbook Studio của HP hay Dell Precision 55xx. ThinkPad P1 có sự khác biệt rõ ràng về thiết kế so với các dòng ThinkPad trước đây nhất là ở thiết kế bản lề nhưng những gì tốt nhất của ThinkPad vẫn được giữ lại như vỏ bằng hợp kim rất chắc chắn, bàn phím vẫn rất tuyệt vời, bàn rê mượt mà, nhiều cổng kết nối và màn hình có chất lượng rất cao. Thêm vào đó thứ mình thường hoài nghi trên những chiếc laptop mỏng là tản nhiệt cũng đã được giải đáp, hệ thống tản nhiệt này đủ sức duy trì hiệu năng cao cho các phần cứng rất mạnh của máy và đảm bảo được độ bền về lâu dài.

Tuy nhiên, để đổi lại cho cấu hình trên thì anh em sẽ phải bỏ ra gần 80 triệu - đây là giá bán chính hãng tại Việt Nam. Ngoài ra Lenovo còn bán một phiên bản cấu hình thấp hơn với Core i5-8400H, Quadro P1000, màn hình FHD, 16 GB RAM và 512 GB SSD với giá 58 triệu đồng. Dòng máy trạm di động mỏng nhẹ nói riêng và máy trạm di động nói chung luôn có mức giá cao nhưng lần này thì ThinkPad P1 đã quá xa tầm với. Mình thử chọn đúng cấu hình của chiếc máy trên trên trang Lenovo US, chọn luôn gói bảo hành onsite 3 năm y hệt tại Việt Nam thì giá máy chưa thuế rơi vào khoảng 2900 USD (dùng coupon hiện tại còn 2700 USD), vẫn rất đắt nhưng mức giá này rất cạnh tranh với dòng Precision 5530 cùng cấu hình và bảo hành 3 năm (khoảng 2800 USD) và tương đương HP Zbook Studio G5 với Quadro P1000 (hiện tại HP chưa bổ sung tuỳ chọn P2000) là 2900 USD.
Công Nghệ, Sản Phẩm Mới khác

Positive SSL